Để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp và thị trường, việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là điều cần thiết. Qua đây, giúp học sinh sinh viên, người dân có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội nghị ‘Công tác tuyển sinh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022’, do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết dù gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng các địa phương, các trường đã đổi mới phương thức tuyển sinh và đào tạo nhằm thu hút học sinh sinh viên học nghề.
Áp lực tuyển sinh
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến đầu tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.
Để bảo đảm công tác tổ chức đào tạo, các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp.
Theo báo cáo, đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn nhất định. Nếu như tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học chỉ lấy điểm đầu vào rất thấp chỉ tương đương đầu vào cao đẳng đã thu hút một lượng lớn người học vào học đại học.
Các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp cùng với bối cảnh khó khăn về kinh tế của người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh đã thu hút một lực lượng lớn người trẻ sau khi rời ghế nhà trường phổ thông sẵn sàng và mong muốn tham gia ngay vào thị trường lao động mà không cần qua đào tạo.
Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đang cùng các trường tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề.
Cùng với đó công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề thực hiện chưa tốt và mới chỉ đạt khoảng 15% so với mục tiêu đến năm 2020 có 30% người tốt nghiệp THCS và 45% người tốt nghiệp THPT vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị.
Đại diện Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc dẫn chứng, tuyển sinh đào tạo nghề 6 tháng đầu năm của tỉnh mới tuyển được 1.977 học sinh, mới chiếm 43% kế hoạch năm và chủ yếu tuyển sinh ở hệ sơ cấp. Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm, tỉnh cố gắng tuyển sinh 17.308 người học để đạt kế hoạch 2022 đề ra.
Theo đại diện của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khó khăn về kinh tế chung của toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn việc đi học hay đi làm để có thu nhập ngay của người học. Đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình không có đủ kinh phí để cho con em đi học mặc dù có nguyện vọng được đi học nghề.
Ngoài khó khăn khách quan, có trường cũng cho rằng các nghị quyết, chính sách hỗ trợ về học phí, kinh phí cho người đi học nghề tại các cơ ở giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết và chính là ‘cứu cánh’ để các trường thu hút học sinh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Tuệ, Hiệu Trưởng Trường trung cấp y dược Vạn Hạnh (TP HCM), cho rằng Nghị định 81 hỗ trợ phí, học phí cho học sinh học nghề. Nhưng đặc thù của trường Vạn Hạnh là thu hút nhiều học sinh ở tỉnh khác đến học, việc giải quyết Nghị định 81 rất khó vì học sinh phải trở về địa phương làm các thủ tục mới được nhận hỗ trợ trong khi các thủ tục không phải đơn giản.
Ngoài ra, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT cũng như quy định về việc tổ chức giảng dạy, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng văn hóa THPT cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học GDNN đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và lựa chọn của người học khi quyết định vào GDNN.
Không chỉ khó khăn trong công tác tuyển sinh, công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng vẫn có những cản trở.
Các chuyên gia cho rằng hiện là cao điểm trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể như phương án dạy và học online giúp học sinh duy trì việc học tập, đảm bảo thời gian khóa học. Tuy nhiên phương án này chủ yếu phù hợp áp dụng đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (kinh tế, kinh doanh, văn hóa, pháp luật ….). Trong khi các nội dung thực hành, môn học tích hợp đòi hỏi phải tổ chức giảng dạy tại phòng thực hành, nhà xưởng, khó tổ chức thực hiện đào tạo trực tuyến, nhất là đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ yêu cầu đến máy móc, công cụ thực tập…
Việc quản lý học sinh, sinh viên học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác học tập và điều kiện cơ sở vật chất của người học nên các trường gặp khó khăn trong việc kiểm soát tham gia học tập của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, việc giảng dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong các cơ sở GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do hiện nay, các trường vẫn phải liên kết, phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.
Tuyển sinh là công việc sống còn
Trước thực trạng trên, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước bước vào hồi phục kinh tế thì việc sống còn của hệ thống giáo dục nghề chính là công tác tuyển sinh. Hiện đã có những quy định mềm dẻo hơn về tuyển sinh. Các trường cũng đã có những biện pháp khác nhau để nâng cao công tác tuyển sinh.
Để làm được điều này, việc đầu tiên chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp liên quan đến ngành nghề, quy định quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa trong công tác truyền thông.
“Hiện mới có dưới 10 sở, ngành ban hành được công tác truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp, chính vì vậy, các tỉnh thành cần phối hợp với các trường xây dựng chương trình cho THPT, THCS thông qua các kênh truyền thông độc đáo như tiktok, facebook…, ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai, cho rằng khó khăn trong công tác tuyển sinh là vấn đề hiện hữu của nhiều trường. Tuy nhiên, từ thực tế của trường Lào Cai cho thấy, công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp khó hơn vì học sinh đăng ký đi học nghề ở những vùng kinh tế phát triển đông hơn vùng kém phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh truyền thông qua các báo, đài, việc truyền thông qua các kênh hiện đại như facebook, Tiktok… sẽ giúp công tác tuyển sinh đến gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Ngoài truyền thông, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện quản lý học sinh đồng bộ, chính xác bằng các dữ liệu phần mềm để tạo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và liên kết với doanh nghiệp.
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, song song với tuyển sinh thì cần đẩy mạnh chất lượng đào tạo một cách đồng bộ từ hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng chương trình, nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giáo viên… Từ đó, tạo thuận lợi trong quảng bá, tuyên truyền đến người dân, giúp người dân có cách nhìn mới về giáo dục nghề nghiệp.
Như Yến
Nguồn https://vnbusiness.vn/